Thính Ngân - Chương 4
07
Hắn gào thét thảm thiết, lăn lộn trên mặt đất muốn dập lửa, nhưng vô ích.
Ta nhìn hắn quằn quại, thản nhiên nhắc nhở: “Rẽ phải phía trước, có cái hồ nước đấy.”
Hắn chẳng kịp suy nghĩ, liền lao tới.
Chẳng bao lâu sau, quả nhiên, ta thấy bầu trời phía bên phải cuộn lên làn khói đen dày đặc.
Ta lừa hắn đấy.
Phía ấy nào có hồ nước gì — mà là nơi chứa vải vóc, quần áo khô, một đốm lửa cũng đủ thiêu rụi tất cả.
Trong lầu náo loạn, mọi người hốt hoảng xách thùng chạy tới cứu hỏa.
Nơi này trở nên vắng người, ta lặng lẽ vào hầm rượu, lôi ra từng vò, đổ đầy nơi khô ráo, rồi châm lửa. Hỏa chiết vừa vung, lửa liền bén — toàn bộ Lâm Giang Lầu chìm trong biển lửa, không thể cứu vãn.
Chỉ trong chốc lát, Lâm Giang Lầu đã biến thành biển lửa. Những người lúc đầu còn cố cứu hỏa cũng lũ lượt kéo nhau bỏ chạy, hoảng loạn như ong vỡ tổ, khắp nơi loạn lạc.
Khi không còn ai để ý, ta tìm được gã hàng rong đang nằm co quắp trong một góc, lặng lẽ đứng nhìn hắn từ từ bị thiêu chết trong khói lửa mịt mù.
Từ trong tay áo, ta rút ra một chiếc vòng ngọc, vắt lên ngón tay khẽ lắc: “Thứ ngươi tìm, là cái này phải không? Thật ra, đúng là ta lấy đấy.”
Ta đã nói rồi mà.
Tính ta vốn bất kham, chưa từng thay đổi.
Ta chỉ là… quen giấu nanh giấu vuốt, giả vờ dịu hiền mà thôi.
Ngay từ đầu, ta chưa từng định thật sự làm kỹ nữ nơi thanh lâu. Dẫu không cứu được tỷ tỷ, thì nay đã đến đây, há lại không làm được việc gì?
Ít nhất… cũng phải để kẻ từng làm nhục mẹ ta, không được chết tử tế. Để cái nơi bức người vào con đường không lối thoát này — hoàn toàn sụp đổ trong biển lửa.
Chiếc vòng này, chất ngọc tốt, nhìn qua là biết đáng giá. Trên viền còn lấm một vệt máu đen, ta đoán là hắn cướp từ xác chết trên đường, định đem đi cầm. Lo sợ va chạm làm hỏng, nên mới giấu kín trong thúng hàng, nghĩ rằng chẳng ai chú ý.
Rất không may, ta đã để tâm đến chiếc vòng ấy.
Kẻ tham tài háo sắc, lại càng dễ bị khống chế.
Ta tiện tay giữ lại chiếc vòng ngọc kia, hắn quả nhiên quay lại tìm ta.
Ta bị giam trong kỹ viện, không thể rời khỏi nửa bước, vừa khéo lợi dụng hắn đi tìm xác cha, xem ông ta có thật sự chết chưa. Tiếc là, hắn không tìm được. Xem ra, cha ta quả đúng là họa kiếp kéo dài ngàn năm, chẳng dễ chết vậy đâu.
Chờ hắn quay lại lần nữa, ta đã sớm chuẩn bị kỹ càng để thiêu trụi cả kỹ viện này.
Ta trước nay siêng năng làm việc, chính là để chiếm được lòng tin, lấy được chìa khóa kho rượu trong tay.
Ta cố ý đem loại rượu ngon nhất ra cho hắn thấy, để hắn tưởng mình chiếm được tiện nghi, mà không hay biết đang bị ta từng chút chuốc say.
Việc còn lại, chỉ là thuận nước đẩy thuyền — một mồi lửa thiêu chết cầm thú, lại một mồi lửa, hủy sạch chốn ô uế này.
Hắn ngã lăn trên đất, toàn thân bốc cháy hừng hực, chỉ còn thoi thóp hơi tàn, khóc lóc cầu ta cứu mạng, xin ta mang nước dập lửa. Hắn bảo hắn trên có mẹ, dưới có con, vợ mới sinh, hắn không thể chết.
Ta ném chiếc vòng ngọc xuống bên cạnh hắn, ngồi xổm xuống bên người chờ hắn tắt thở, chậm rãi nói: “Yên tâm, số bạc ngươi bán ta vào Lâm Giang Lầu, cũng đủ cho cả nhà ngươi sống yên vài năm.”
Hắn nghẹn lời. Khi sắp đứt hơi, bất giác thông suốt, ánh mắt trừng lớn nhìn ta — đứa bé ngồi yên lặng bên cạnh, như thể đang nhìn thấy quỷ: “Ngươi… có phải… là từ lúc quỳ xuống cầu cha mình trên cầu… thì đã…”
Tham tài, chết vì tài.
Ta nhìn hắn trút hơi thở cuối cùng, lại cầm lấy đao của chính hắn, đâm sâu thêm một nhát vào tim để chắc chắn, rồi mới xoay người rời đi.
Lúc ấy, cả kỹ viện đã chìm trong biển lửa, khói dày đặc cuồn cuộn, ánh lửa cháy rực cả trời. Bố cục Lâm Giang Lầu, ta đã sớm thuộc nằm lòng. Mục tiêu rõ ràng, ta lập tức chạy thẳng đến phòng của tú bà.
Thời điểm vừa vặn — bà ta đang đẩy cửa bước ra với bọc hành lý trong tay, thoáng sửng sốt khi thấy ta.
“Con nhóc kia, sao còn chưa chạy đi?”
Ta không nói một lời vô ích, nhặt cây gậy vứt ven đường, vung tay giáng mạnh xuống.
Từ nhỏ làm việc đồng áng, tuy hình thể gầy gò, nhưng khí lực chẳng nhỏ.
Tú bà lập tức gục ngã.
Ta mở bọc hành lý của bà ta ra xem — bên trong là từng xấp khế bán thân, cùng đống châu báu vàng bạc tích góp bao năm.
Khế thân có của người còn sống, cũng có người đã chết, chưa kịp tiêu hủy.
Ta đứng trên gác cao, phía dưới là lửa hừng hực.
Bàn tay khẽ vung — từng tờ giấy trắng rơi lả tả, cuốn theo gió lao vào biển lửa, chỉ trong chớp mắt đã hóa thành tro bụi.
08
Cho dù tú bà trông có vẻ bao dung hiền hậu đến mấy, ta vẫn không quên được khi xưa tỷ tỷ trốn về rồi bị bắt lại, phải chịu một trận đòn thừa sống thiếu chết.
Lúc chôn cất tỷ tỷ, trên người nàng, vật đáng giá duy nhất chỉ là cây trâm gỗ nàng từng cài trước khi bị bán vào Lâm Giang Lầu.
Những cô nương trong kỹ viện này, phần lớn đều là lương dân bị ép buộc làm kỹ nữ, bởi thế mà các lối ra đều có người canh giữ, cấm tuyệt chẳng cho ai rời đi. Hễ phản kháng liền bị đánh đập hành hạ. Sống thì tiền bạc bị tú bà vơ vét gần hết, chết rồi cũng chỉ được một tấm chiếu rách quăng ra bãi tha ma, chẳng buồn đào lấy một cái huyệt.
Ăn đến sạch, vắt đến kiệt, rồi vứt như rác rưởi.
Cho nên khi tú bà nói rằng sẽ xem các cô nương như con gái ruột mà yêu thương… ai tin nổi?
Bà ta tỏ vẻ ôn nhu với ta, yêu thương quan tâm, nhưng tất cả cũng chỉ là một ít ơn huệ vặt vãnh, bề ngoài dễ coi, thực chất chẳng đáng một đồng.
Nhìn người như nhìn mây mù che phủ, phải thấy được cốt lõi bên trong, mới nhìn rõ chân tướng.
Bà ta mình đầy vàng ngọc, thân hình phồn thực, phú quý hiện rõ, nhưng bao nhiêu tự do và mạng sống của những nữ tử, đã bị chôn vùi dưới lớp châu ngọc ấy?
Lửa cháy mỗi lúc một dữ, xà ngang cũng đã đổ. Cửa chính không thể thoát, ta lôi tú bà đến một vũng nước nông có gió, để bà ta không bị khói hun cũng chẳng bị thiêu cháy.
Bà ta chưa từng tự tay giết ai, nên ta không lấy mạng. Ta chỉ muốn bà ta trở về tay trắng, thân bại danh liệt.
Lâm Giang Lầu lúc ấy đã không còn bao nhiêu người. Ta cố ý chọn lúc mọi người còn tỉnh táo, lại khiến ngọn lửa lan chậm, đủ thời gian để họ thoát thân. Ta đã đốt toàn bộ khế thân, những cô nương bị bán vào đây nếu đủ gan, sẽ có cơ hội chạy thoát. Còn có chạy được xa hay không, có bị bắt trở lại hay không, là chuyện của họ.
Ta tìm đến cái hang chó đã đào sẵn trước đó, không định rời đi qua bất kỳ cánh cổng nào, phòng khi bị bắt lại.
Ngoài hang là một con đường nhỏ ít người qua lại. Ta vất vả chui ra, liền đối mặt với một kẻ toàn thân cháy đen.
Hắn ôm một con gà quay, trợn mắt nhìn ta.
Một tên béo trắng trẻo, nửa đầu tóc cháy sém, mặt mũi lem nhem, áo gấm màu tím rách rưới không ra hình dạng, trông thảm hại mà buồn cười.
Vừa rồi ta tạt rượu phóng hỏa, ra tay sát nhân, đánh ngất tú bà — nếu ta nhớ không nhầm, có lẽ đều bị hắn trông thấy.
Đoán không sai, đây chính là thiếu gia nhà họ Thẩm, Thẩm Niệm Chương. Oanh Nương từng nói hắn thích mặc y phục màu tím.
Thật xui xẻo, lại để tiểu tử này thấy được.
Hắn kinh hoàng hét lên: “Cứu—”
Ta chẳng nói chẳng rằng, vung gậy đập một cú, đánh ngất luôn.
Liếc nhìn xung quanh, thấy lửa chưa lan đến đây, ta cũng chẳng bận tâm tới hắn, tiếp tục lên đường. Nhưng đi được một đoạn, nghĩ ngợi thế nào lại quay lại, gỡ lấy con gà quay hắn ôm khư khư như bảo vật.
Đúng lúc, ta đang thiếu lương khô để đi đường.
Ta không dám dừng lại một khắc nào, sợ dân thành Lâm phát giác rồi lùng bắt những người bỏ trốn, liền ôm lấy bọc vàng bạc châu báu, men theo đường nhỏ lẩn tránh đám đông.
Đợi đến khi xác định an toàn, ta mới tìm một góc rừng vắng dừng chân nghỉ tạm. Nhìn bóng mình phản chiếu trong dòng nước — cũng chẳng khác gì tên thiếu gia kia, vừa buồn cười lại vừa thê thảm. Trên trán là một vết sẹo dữ tợn, máu thịt chưa lành.
Bấy lâu nay, mỗi khi vết thương sắp lành, ta lại tự tay cào rách vảy, nên chẳng bao giờ lành hẳn. Ta cố tình giữ sẹo ấy, để những kẻ háo sắc ghê sợ, không dám ép ta tiếp khách.
Nay rốt cuộc có thể bôi thuốc đàng hoàng, ta mang theo hộp thuốc Oanh Nương từng đưa, nhẹ nhàng thoa lên — hương thuốc nhàn nhạt phảng phất.
Nàng chắc cũng đã trốn thoát rồi.
Ta nghe được trong tiếng đàn tỳ bà của nàng, là tiếng nỗi nhớ quê hương bi ai tha thiết.
Ta xắn tay áo, nhìn nốt chu sa trên cổ tay — thủ cung sa. Lập tức rút dao nhỏ, không do dự, cắt thẳng xuống.
Máu tuôn như suối, đau thấu xương, nhưng ta không nhíu mày lấy một lần.
Ta bôi thuốc, băng bó vết thương cẩn thận. Sau đó, tìm mấy nơi kín đáo trong rừng, chia số châu báu cướp được thành mấy phần mà giấu kỹ. Chỉ giữ lại một cây trâm vàng bên mình, dùng đá đập nát, thành một khối méo mó không rõ hình thù.
Gã hàng rong khi sắp chết từng hỏi ta — có phải, ngay từ lúc ta quỳ gối trên cầu, thì con đường sau đó, mỗi bước đều đã được sắp sẵn?
Từ cái lạy đầu đẫm máu kia, dụ cha bước đến rồi đá ông ta xuống sông, dẫn dụ gã hàng rong bán ta vào kỹ viện, ẩn mình chờ thời, tự tay cào rách vết thương để tránh bị ép tiếp khách, dùng chiếc vòng ngọc dẫn hắn trở lại, giành được lòng tin để tùy tiện ra vào hầm rượu, thiêu sống hắn mà vẫn nghĩ đến đường sống cho cả nhà hắn, đốt sạch kỹ viện, để các cô nương được chạy thoát, chiếm lấy của cải tích cóp cả đời của tú bà…
Người đánh cờ, khi hạ một quân, đã nhìn thấu mười bước về sau.
Phải vậy không?
Ta nhét khối vàng vào ngực áo, cúi đầu nhìn dòng suối nhỏ.
Nước róc rách, gặp núi phá núi, gặp đá vỡ đá, vẫn cứ chảy mãi về phía trước.
Ta ngẩng đầu, nhìn mặt trời và cây rừng sinh trưởng, xác định phương hướng, xoay người bước đi — về phía ngược lại với thành Lâm.
Tú bà từng nói, kỹ nữ không trộm không cướp, sống bằng chính sức mình, chẳng cần tự khinh tự ti, cũng chẳng thua kém ai.
Lời ấy… chỉ là để tự an ủi.
Khi người khác chỉ cần một câu nói là có thể định đoạt sống chết của ngươi — thì ngươi đã thấp kém rồi.
Không muốn bị khinh, không phải chỉ dựa vào lòng tự trọng là đủ.
Muốn nghịch thiên cải mệnh, không phải dựa vào quyền quý để làm sủng vật trong tay họ, mà là có đủ bản lĩnh để nắm lấy số phận của chính mình.
Vậy nên, ta phải trèo lên cao.
Bất chấp thủ đoạn mà trèo lên cao.
Phải trèo nhanh hơn, cao hơn cả cha ta từng mơ tưởng.
Phải mang dã tâm rực cháy, mục tiêu rõ ràng, ý chí kiên cường, ngược dòng mà tiến.