Thính Ngân - Chương 5
09
Loạn thế quần hùng tranh bá, cớ sao nữ tử không thể tranh thiên hạ?
Ta, thiên sanh nghịch mệnh, liền muốn làm điều thế nhân không dám làm.
Có được món tiền đầu tiên, việc tiếp theo chính là chiêu mộ nhân thủ. Song ta không thể đi theo con đường tầm thường — kết giao quân sĩ, làm tướng nhập ngũ.
Thứ nhất, nữ tử không thể nhập doanh, có chiêu binh cũng chẳng ai phục. Thứ hai, tuổi ta còn nhỏ, càng dễ bị khinh thường.
Ta cần một lối đi khác.
Cho nên ta đã nghĩ kỹ — ta cần có một người đầu tiên, một hán tử thân thể vạm vỡ, võ công không tầm thường, nguyện vì ta mà ra tay.
Ta liền nhớ tới thanh mai trúc mã năm xưa của mẹ — người điên điên khùng khùng, chân què dị dạng, được gọi là “quái nhân họ Lý” — Lý Nhị Ngưu.
Khi ta tìm thấy ông ấy, người đàn ông tàn tạ ấy đang ẩn cư trong một căn nhà tranh đã bỏ hoang nhiều năm, lặng lẽ nhóm lò đá, nấu một nồi rau dại hôi nồng đến khó chịu.
Ông ấy sống biệt lập, lãnh đạm vô tình. Thấy người lạ đến gần liền xách cuốc quát lớn: “Cút!”
Túi bánh bao quý giá ta mang theo bị ông ấy ném thẳng xuống vũng bùn. Khuôn mặt âm u ẩn sau mái tóc rối, chỉ lộ ra đôi mắt sắc lạnh, đầy địch ý.
Chẳng trách bị thiên hạ gọi là quái nhân.
Ta cúi người nhặt lấy bánh bao bẩn, chậm rãi nói, giọng vẫn bình thản: “Nhị Ngưu thúc,mẹ ta mất rồi.”
Ông ấy lập tức khựng lại giữa chừng khi đang vung cuốc.
“Ta biết thúc nhận ra ta. Ta là con gái thứ hai của Trương Văn Cảnh và Sở Tứ Nương. Mẹ ta, tỷ tỷ, tiểu muội, đều là bị cha ta hại chết.”
Ta nói ngắn gọn rõ ràng, thuật lại đầu đuôi, rồi cúi người thi lễ: “Nhị Ngưu thúc, ta muốn cùng thúc đi tìm cha, báo thù.”
Ông ấy trầm mặc thật lâu, rồi mặt lạnh lại, vẫn gằn giọng đuổi khách: “Liên quan gì đến lão tử? Mau cút đi, chỗ này không hoan nghênh kẻ nào hết.”
Ta không nghĩ vài lời đã có thể lay động ông ấy, nhưng cũng không hề có ý định rút lui.
Ta bám riết lấy căn nhà rách đó, không chịu rời.
Ông ấy đuổi, ta lui; ông ấy vào lại, ta lại tiến.
Đêm đến, ta cuộn mình ngủ dưới đất; đói thì bẻ bánh bẩn lên ăn, bánh rớt xuống bùn cũng không hề ghét bỏ, lạnh mặt nhai từng miếng. Bánh ăn hết thì đào cỏ rễ cây mà nhét bụng, cùng lắm thì bắt côn trùng mà nuốt.
Vài ngày sau, gió nổi cuồng phong, mưa xối xả như trút. Dẫu bị mưa dập ướt sũng, ta vẫn ngồi co ro trong mái hiên, kiên trì như tượng đá.
Ta biết cách tiến từng bước. Khi ông ấy không buồn xách cuốc đuổi ta nữa, ta liền lặng lẽ lại gần từng chút một. Giờ đây, ta đã có thể yên ổn ngồi dưới cùng một mái hiên với ông ấy, song chưa từng vượt ngưỡng — chưa từng bước vào trong.
Ta biết ông ấy ghét ta, bởi trong người ta có một nửa dòng máu của kẻ thù — chính là cha ta. Ông ấy không cầm cuốc bổ ta, đã là nhường nhịn lắm rồi.
Ta vốn có thể cưỡng vào nhà tránh mưa. Nhưng điều ta muốn, không phải là sự cưỡng cầu. Mà là chính ông ấy, tự mình mở cửa, đưa tay kéo ta vào.
Mưa dai dẳng, cuối cùng ta cũng phát sốt. Sờ trán nóng ran, tay chân lại giá lạnh. Ta có một thỏi vàng trong túi, song chẳng màng đi trị bệnh. Ta vẫn ngồi nơi mái hiên, đều đặn lẩm bẩm chuyện xưa:
Nói về những chuyện thời thiếu nữ của mẹ, kể về thuở nhỏ ta cùng tỷ tỷ, tiểu muội nô đùa, nhắc về núi Thần sau nhà…
“Nhị Ngưu thúc, thúc từng nghe chưa? Sau nhà ta có một ngọn đồi nhỏ, nơi ấy có một vị Sơn Thần. Tỷ tỷ và tiểu muội ta đều sùng bái ngài ấy. Tỷ tỷ nói ngài ấy linh nghiệm vô cùng. Có lần nàng ao ước có trâm đẹp, cầu nguyện với Sơn Thần, mấy hôm sau liền nhặt được một cây trâm gỗ rơi bên đường.”
“Về sau, khi mất mùa, họ thường cầu nguyện với Sơn Thần. Quả nhiên hay gặp lương thực bỏ quên trên núi, thậm chí còn bắt được cả thỏ rừng. Họ từng muốn kéo ta đi cùng, nhưng ta không tin thần phật, cũng chưa từng cầu xin ai điều gì.”
Những gì ta muốn, đều do chính tay mình giành lấy.
Cánh cửa mục nát phát ra tiếng kẽo kẹt. Lý Nhị Ngưu giận dữ quát: “Ngươi muốn chết vì bệnh ngay trước cửa nhà ta sao?”
Ta đầu óc mơ màng, nhưng ánh mắt vẫn sáng. Thấy cửa mở, ta liền “phịch” một tiếng quỳ sụp xuống trước thềm, bắt chước động tác của tỷ tỷ và tiểu muội thuở xưa, cúi đầu hành lễ.
Ánh mắt nhìn thẳng vào ông ấy, trầm giọng: “Thưa Sơn Thần đại nhân, ta đến cầu nguyện với ngài.”
Ngừng lại một chút, thành khẩn nói tiếp: “Cầu ngài, phù hộ ta.”
Bầu trời xám xịt, chớp giật vang rền.
Mưa dầm dai dẳng không dứt, vạn vật chìm trong u ám của cơn mưa kéo dài triền miên.
10
Mưa tầm tã liên miên, nước dồn đất ẩm, vạn vật uể oải không thoát khỏi màn mưa u ám.
Ta đói khát đã lâu, lại dầm mưa nhiều ngày, bệnh đến choáng váng, đầu óc quay cuồng. Gắng gượng chỉ để đợi ông ấymở lời trước, cuối cùng ta cũng ngất lịm.
Lúc tỉnh lại vẫn còn mê man, chỉ cảm thấy ông ấy đang cõng ta bước nhanh, lắc lư khiến đầu ta đau như búa bổ. Tới nơi, đại phu trông thấy hai người ta rách rưới như ăn mày, e ngại Lý Nhị Ngưu không trả nổi tiền thuốc nên chẳng chịu chữa.
Không rõ bọn họ cãi nhau điều gì, chỉ biết sau đó ta được đặt lên giường, đắp chăn dày cộp, rồi bị rót một bát thuốc đắng nghét, lại chìm vào giấc ngủ mê man.
Lần nữa tỉnh lại, Lý Nhị Ngưu ngồi bên giường trông ta, đôi mắt đỏ bừng vì thức trắng. Ông ấy vẫn mang dáng vẻ hung thần ác sát, song khi thấy ta tỉnh, chỉ thở dài một hơi thật nặng: “Lúc mẹ ngươi bằng tuổi ngươi, cũng đâu cứng đầu đến vậy.”
Kẻ từng được đồn đại là tên què điên dở trong làng, rốt cuộc đã bị ta làm cho mềm lòng.
Ta hiểu — đó là ông ấy ngầm gật đầu.
Có những việc, chẳng cần nói thành lời. Như năm xưa ông ấy vẫn thường lén quay về làng, đứng từ xa nhìn trộm mẹ ta, bị tỷ tỷ lầm tưởng là sơn thần, rồi từ đó cứ thế mà tiếp tế cho nhà ta.
Chính ông ấy— kẻ ăn rau rừng sống qua ngày, còn phải húp nước lá dại trong căn nhà tranh xiêu vẹo, vậy mà vẫn cõng bao gạo, miếng thịt vượt núi băng rừng mang tới. Vẫn cố gắng làm thuê khắp nơi, góp từng đồng bạc lẻ trả lại cho chủ nợ.
Ông ấy đã nghèo đến mức ấy, chẳng còn ai buộc ông ấy phải trả nợ, nhưng trong lòng vẫn luôn canh cánh không quên.
Con người, bản tính khó đổi.
Lý Nhị Ngưu trung hậu chất phác, thiện lương chân thành. Nỗi khổ chỉ khiến ông ấy mọc thêm gai, chứ chưa từng làm trái tim ông ấy trở nên ác độc.
Cho nên, dù ta giở hết chiêu trò lộ liễu đến vậy — cố ý mỗi ngày nhắc chuyện cũ của mẹ để gợi xúc cảm, từng bước tiến gần, ông ấy cũng vẫn sẽ mềm lòng.
Ông ấy thậm chí còn bàn với đại phu, xin làm người ở hai năm để đổi lấy một bát thuốc hạ sốt cho ta.
Ta liếc nhìn thân hình gầy nhỏ của đại phu, lại nhìn thân hình cao lớn như trâu mộng của Lý Nhị Ngưu, biết tiền trong tay sẽ không bị lộ, liền lấy ra thỏi vàng trong túi, giao cho ông ấy trả tiền thuốc.
Ông ấy trừng mắt nhìn thỏi vàng, môi run lên, nhưng không vội hỏi nguồn gốc. Đợi ta khỏi bệnh, ta bẻ một góc đưa cho đại phu, phần còn lại ông ấy cõng ta quay về căn nhà rách nát ấy.
Ông ấy đem chỗ còn dư trả lại, gương mặt nghiêm nghị hỏi ta lấy từ đâu ra, có gây nguy hiểm gì không.
Ta thuận miệng bịa ra một lý do cho qua.
Ông ấy đã nhận ta, nhưng vẫn không chịu đồng ý cùng ta đi báo thù.
Ông ấy nhìn tay chân gầy gò của ta, hừ một tiếng: “Thân thể ngươi thế kia, báo thù cái nỗi gì? Mấy chuyện này, để người lớn làm đi. Ta sẽ đi tìm Trương Văn Cảnh, chính tay ta sẽ giết chết hắn!”
Kỳ thực, không cần ta nói, ông ấy cũng đã định sẵn trong lòng. Chỉ là sớm muộn gì mà thôi. Dù có phải đồng quy vu tận, ông ấy cũng sẽ tìm tới tận cửa.
Ông ấy vác cuốc định rời đi, ta lại khuyên ngược lại: “Một mình thúc, không giết nổi ông ta đâu.”
Ông ấy không phục. Ông ấy to khỏe hơn, chỉ cần một cuốc là giáng chết tên súc sinh ấy. Trước kia không dám vì lo mẹ ta bị thiên hạ chỉ trỏ, giờ thì có gì mà phải e dè?
Ta bước theo ông ấy tới thị trấn kế bên, chợt nghe dân chúng hân hoan bàn tán:
“Nghe nói khoa cử lần đầu tiên tổ chức lại ở Triệu quốc, người đứng đầu chính là người quê mình! Là tiên sinh ở thôn bên, thật rạng rỡ cho nhà họ Trương chúng ta!”
Khắp nơi đều rôm rả chuyện đó.
“Choang!” — cây cuốc trong tay Lý Nhị Ngưu rơi xuống đất. Ông ấy đứng đơ ra như tượng, vẻ mặt bất lực đến cùng cực.
Ta kéo tay ông ấy rời khỏi đám đông, thấp giọng: “Ta đã nói rồi, một mình thúc, không giết nổi ông ta. Ngay cả khi thúc còn khỏe mạnh, chưa què, cũng chẳng làm gì được ông ta, huống hồ là bây giờ.”
“Ông ta thi đỗ khoa cử, chẳng bao lâu sẽ phong quan tiến chức, bên người đầy đủ tùy tùng hộ vệ, lại ở tận Triệu quốc xa xôi, đến mặt còn không thấy nổi.”
“Thúc tưởng rằng năm đó chân mình bị đánh gãy, nhà thì sạch của, người thì gánh nợ… chỉ là do xui xẻo ư? Thúc sai rồi. Tất cả… đều là do ông ta giở trò.”
Ông ta là cha ta — Trương Văn Cảnh. Một kẻ đội lốt học trò nho nhã, nhưng bụng dạ hiểm độc, lòng dạ thâm sâu, thủ đoạn vô cùng.
Cha ta, cố ý dung túng cho ông ấy qua lại với mẹ, cố ý để lộ sơ hở, dẫn dụ ông ấy cùng mẹ bỏ trốn. Rồi lại chờ bắt quả tang, xúi giục người nhà họ Sở đánh gãy chân ông ấy, lại thông đồng với y phường trong thôn, không chữa dứt điểm, để di chứng theo cả đời.
Cái chân ấy chẳng những què quặt xấu xí, mà còn khiến ông ấy liên tục phải tốn bạc chạy chữa, cuối cùng đành phải bán sạch gia sản, mang trên lưng một khoản nợ lớn, cả đời không ngẩng đầu nổi.
Ông ấy chết lặng, ngơ ngác hỏi ta: “Nhưng làm sao ngươi biết được? Khi ấy ngươi còn chưa chào đời…”
Ta nhàn nhạt đáp: “Ta đoán.”
Ta quá hiểu con người cha ta.
Ông ấy ngồi phệt xuống đất, sắc mặt trắng bệch như tờ giấy, lẩm bẩm: “Vậy giờ phải làm sao? Quan lại triều đình, sao chúng ta địch lại nổi…”
Ta nhìn ông ấy, ánh mắt kiên định: “Ta đã nói, ta sẽ dẫn thúc đi tìm ông ta, báo thù.”
Nhưng không phải theo cách ông ấy nghĩ — không phải đơn thương độc mã tới tận Triệu quốc liều mạng, mà là… đi con đường khác.
Ta giúp ông ấy trả sạch nợ nần, chuộc lại ngôi nhà tổ tiên từng bị bán đi, khóa cửa cẩn thận, mọi chuyện đều thu xếp chu đáo.
Sau đó — ta dẫn ông ấy đi về phía ngược lại với Triệu quốc, đến nơi có thế lực mạnh mẽ nhất trong vùng này: sơn trại của lũ thảo khấu khét tiếng.
Một người lớn, một thiếu nữ… cùng nhập thảo làm cướp.