Xuân Về Chốn Cũ - Chương 13
Ngoại truyện Cố Tùng
1.
Sau này An Niệm từng hỏi tôi, bắt đầu thích cô ấy từ khi nào.
Thật ra tôi cũng không rõ.
Chỉ nhớ lần đầu tiên nhìn thấy cô ấy.
Hôm đó tôi bị mấy lãnh đạo trong trường thay phiên nhau lên lớp.
Thầy chủ nhiệm nước miếng văng đầy trời, tôi lùi về sau một bước theo bản năng.
“Trường học là nơi rèn luyện cho học sinh khả năng chịu khổ chịu khó! Chút khổ này cũng chịu không nổi, sau này vào xã hội rồi làm sao mà sống?!”
Tôi nghe tai này lọt tai kia.
Tùy tiện nhìn xuống sân thể dục.
Ánh mắt bỗng khựng lại.
Góc sân, cách khá xa, có một bóng dáng gầy gò đang đứng.
Lạ thật, hôm đó sương mù dày, mưa phùn cũng rả rích, rõ ràng không nhìn được xa, vậy mà tôi lại thấy rõ mặt cô ấy.
Vai nhỏ, tóc và lông mi đều dính đầy giọt nước li ti, cả người như phủ một lớp hơi nước mỏng.
Cô ấy nghiêng đầu, nhìn tôi bị mắng.
Có lẽ nhìn hơi lâu, nên khoảng hai phút sau mới ý thức được là tôi đang nhìn lại.
Cô ấy giả vờ nhìn đông ngó tây, rồi lén lút chuồn vào dãy lớp học.
“Giờ học sinh đi gần hết rồi đấy, em tính sao hả?!”
……
Chưa hết đâu.
Vẫn còn một người, ngốc lắm.
……
Nhưng sau đó, tôi lại rất lâu không gặp lại cô ấy.
Dựa vào vị trí hôm đó đứng, tôi đoán cô ấy chắc cũng học lớp 10.
Sau này dù là lúc bị gọi lên phê bình hay lúc đi ngang cửa các lớp khác, tôi đều cố tình nhìn quanh tìm bóng người đó.
Nhưng tìm mãi, không thấy.
Lâu đến nỗi tôi bắt đầu nghi ngờ không biết hôm đó mình có nhìn nhầm không, có phải do hoa mắt hay ảo giác không.
Cho đến học kỳ hai năm lớp 10, trường xếp lại lớp.
Tôi đang nằm dài trên bàn lim dim ngủ.
Cô ấy bước vào tầm mắt tôi.
Tôi còn chưa biết tên cô ấy.
Nhưng khoảnh khắc đó, tôi lại thấy giống như gặp lại người đã xa cách rất lâu – một thứ tưởng mất rồi mà đột nhiên tìm lại được.
Tôi đỏ mắt.
Không hiểu sao, giữa cái lớp học ồn ào gần 50 đứa mới gặp lần đầu, tôi lại đỏ mắt.
2.
An Niệm lại hỏi tôi, vì sao đột nhiên lại muốn về nước.
Tôi nghĩ một lúc.
Hình như là hôm ấy, Berlin bất chợt đổ một trận mưa như trút nước.
Tôi không mang ô, bị mưa xối cho ướt như chuột lột giữa đường.
Khoảnh khắc đó, tôi bỗng cảm thấy cái nơi quỷ quái này thật sự không thể ở thêm một phút nào nữa.
Ngày nào cũng mưa, mưa không ngớt.
Mưa đến mức khiến người ta bực bội phát điên.
Vẫn là Bắc Kinh tốt hơn.
Tôi đột nhiên vô cùng nhớ cái thời tiết khô ráo ở đó, và cả những cơn mưa phùn dịu dàng gấp vạn lần ở Berlin.
Thế là hôm sau tôi nộp đơn xin nghỉ việc, rồi đặt vé bay thẳng về nước.
Lúc đó tôi cũng không ngờ, chỉ hai tháng sau lại gặp An Niệm trong bệnh viện.
Tôi từng diễn tập hàng nghìn hàng vạn lần trong đầu cảnh mình tái ngộ với cô ấy.
Là nên bình tĩnh nói “lâu rồi không gặp”, hay giả vờ thong dong xoay người rời đi?
Không ngờ đến lúc thực sự xảy ra, đầu tôi lại trống rỗng, chẳng nghĩ được gì.
Thậm chí tôi còn không dám thở.
Chỉ sợ… cô ấy sẽ bị gió cuốn đi mất.
Sao lại gầy đến vậy…
Vai cô ấy nhỏ đi rõ rệt, cứ như chỉ cần thêm một hạt cát nữa thôi là có thể đè cô ấy sụp xuống. Cô ấy ôm đứa bé quay đầu lại, đứng đó trông vừa yếu đuối vừa bất lực, trong mắt còn lấp lánh nước.
Khoảnh khắc ấy, tôi hoảng hốt tránh đi ánh nhìn, đến nhìn thêm một cái cũng không dám.
3.
Sau cái hôm thằng nhóc Cố Tùng dọa người ta sợ chết khiếp, tôi thật sự rất tức.
Chỉ cần nghĩ đến dáng vẻ An Niệm đứng ngoài phòng phẫu thuật nước mắt rơi lã chã, cô đơn, mơ hồ, bất lực hệt như ngày đầu chúng tôi gặp lại…
Tối về nhà tôi không nhịn được, lại lôi thằng nhóc ra xử thêm một trận.
Nó vừa né vừa la oai oái, mồm thì không ngừng mắng tôi “được lợi rồi còn giả vờ”.
Hừ.
Chuyện giữa tôi và An Niệm, chúng tôi tự từ từ tiến triển, tôi đâu có vội.
Còn nó, dọa vợ tôi sợ đến vậy mà còn lý lẽ nữa hả?
Thằng nhóc vừa ôm mông vừa nghiến răng nghiến lợi:
“Được rồi được rồi! Có cháu ở đây thì chú đừng hòng bước chân vào cửa nhà họ An!”
Tôi bật cười vì tức.
“Cấm tiệt cháu một tuần! Chưa viết xong bài tập thì đừng hòng sang nhà bên kia chơi với An Nhiên nữa!”
Ngoại truyện – Lục Phỉ Chi
1.
Lúc Cố Tùng đến chất vấn tôi, trong mắt cậu ta là sự phẫn nộ và thất vọng.
Trước khi rời đi, cậu ta hỏi tôi một câu:
“Cậu sao lại trở thành như thế này?”
Trở thành?
Tôi có bao giờ thay đổi đâu.
Tôi luôn như vậy.
Có lẽ cậu ta vẫn không biết, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau năm bảy tuổi, thật ra cũng là một ván cờ do tôi tính toán kỹ càng.
Mẹ tôi vốn chẳng có vị trí gì trong nhà họ Lục, sau khi bà mất, đến đám người hầu cũng dám ra tay ức hiếp, đánh đập tôi.
Nếu tôi không bám lấy cậu thiếu gia nhà họ Cố để thu hút được chút chú ý từ cha mình, tôi e rằng đến chết cũng chẳng ai hay.
Tôi luôn như vậy đấy — tính toán từng bước, không từ thủ đoạn.
Tôi thay đổi chỗ nào chứ?
Cậu ta cũng không chịu nghĩ xem.
Lớn lên trong nơi bẩn thỉu như Lục gia, có thể dưỡng ra loại người tốt đẹp gì?
2.
Lần đầu tôi để ý đến An Niệm, cũng là vì Cố Tùng.
Trước đó tôi chỉ biết nhà cô ấy bán đồ ăn sáng, nhiều bạn học vì tiện nên thường nhờ cô ấy mua giúp.
Tôi không ngờ đến cả Cố Tùng cũng tham gia.
Chẳng lẽ đầu bếp nhà họ Cố từ chức rồi?
Cậu ta ăn bánh chưng nếp liền một tháng trời, thậm chí còn mua dư một phần bắt tôi ăn cùng.
Cuối cùng, tôi hỏi cậu ta tại sao cứ ăn mãi một món.
Cậu ta vừa gắp bỏ nấm hương vừa thản nhiên nói:
“Vì cái này là mắc nhất.”
À ha…
Thì ra là vậy.
Nhận ra mình lỡ lời, mặt Cố Tùng lúng túng bảo tôi giữ kín.
Tôi vừa cười gật đầu, vừa bắt đầu thấy tò mò về An Niệm.
3.
Ban đầu tôi chỉ đơn thuần tò mò.
Tôi rất muốn biết rốt cuộc là kiểu con gái thế nào mà khiến Cố Tùng mê mệt đến vậy.
Vừa hay An Niệm ngồi chếch phía trước tôi.
Mỗi lần ngẩng đầu là tôi lại thấy bóng lưng cô ấy.
Cổ cô ấy trắng và mảnh, bờ vai mỏng tang, mỏng đến mức chỉ cần đưa tay là có thể bóp nát xương bả vai ấy.
Ít ai biết, tôi thật ra rất thích động vật nhỏ.
Không phải vì chúng đáng yêu, mà vì chúng đủ yếu ớt, không thể uy hiếp tôi.
Mà trên người An Niệm, tôi lại thấy được cảm giác ấy.
Vô hại, mong manh, dễ kiểm soát…
Khi nhận ra mình thích An Niệm, tôi cũng đồng thời phát hiện ra một chuyện không hay.
An Niệm rất ít khi nhìn quanh trong lớp.
Nhưng chỉ cần là đến lượt Cố Tùng bị gọi trả lời câu hỏi, cô ấy nhất định sẽ ngẩng đầu nhìn cậu ta một cái.
Cô ấy tưởng rằng nếu nhìn đủ nhanh, hòa vào đám đông thì sẽ không ai phát hiện.
4.
Sau đó, đúng như tôi mong muốn, họ chia tay.
Nhưng An Niệm lại không dễ tiếp cận như tôi nghĩ.
Cô ấy rất cảnh giác.
Chỉ cần ai bước lại gần, cô ấy sẽ lập tức lùi xa.
Tôi mất bốn năm mới trở thành bạn bình thường với cô ấy.
Rồi mất thêm ba năm nữa mới trở thành người bạn mà cô ấy tin tưởng.
Ban đầu tôi không vội.
Dù gì cũng chẳng có tình địch nào, cứ chậm rãi vun đắp tình cảm là được.
Cho đến khi An Nhiên bị bệnh, cần hai mươi mấy vạn.
Vậy mà cô ấy thà đi vay người khác, đến cuối cùng mới tìm đến tôi…
Tôi nhận ra mình không thể “luộc ếch trong nước ấm” nữa.
Vì thế, sau này tôi lừa cô ấy kết hôn.
Cô ấy đã đồng ý.
Tôi nghĩ chỉ cần thời gian lâu dài, rồi cũng có thể nảy sinh tình cảm thôi.
Không ngờ, cô ấy phát hiện ra tôi thích cô ấy.
Mọi thứ ngay lập tức quay về vạch xuất phát.
5.
Khoảng thời gian An Niệm không chịu gặp tôi, tôi mới nhận ra mình đã chấp niệm đến mức nào.
Từ nhỏ đến lớn, tôi chẳng có gì cả, cái gì cũng phải tranh giành, phải giật lấy bằng mọi cách.
Tôi vốn không phải người cao thượng.
Chỉ cần đạt được mục đích, mạo hiểm hay dùng thủ đoạn thì đã sao?
Anh nhìn mà xem, ít nhất thì hiện tại, An Niệm vẫn chưa rời bỏ tôi, còn nói sẽ ở bên tôi cả đời — chẳng phải thế sao?
Lúc đó tôi thật sự rất vui.
Cho đến tối hôm đó, Cố Tùng nói với tôi:
Anh ta đã về nước rồi.
Tôi dùng đủ mọi cách giành lấy cô ấy, lại vì chính những cách đó mà sợ sẽ mất đi.
Tôi như chưa bao giờ có thể ngẩng đầu lên trước mặt Cố Tùng, đến cả nghe thấy cái tên đó cũng khiến tôi chán ghét.
Nhất là hôm sau, bác sĩ điều trị chính của An Nhiên bảo tôi:
Một chuyên gia vừa từ Bắc Kinh trở về, tên là Cố Tùng.
Tình hình của An Nhiên khá nghiêm trọng, có lẽ chỉ có anh ta mới có cơ hội chữa trị.
Lúc đó, nỗi căm ghét trong tôi dâng đến đỉnh điểm.
“Chết thì chết thôi, đỡ phải nhớ nhung.”
6.
Cuộc hôn nhân giữa tôi và An Niệm kéo dài hai trăm hai mươi chín ngày.
Từ ngày thứ hai trăm ba mươi, tôi trơ mắt nhìn cô ấy tìm mọi cách rời xa tôi.
Thêm bảy mươi bảy ngày nữa, cô ấy đã như nguyện.
Thật ra vẫn còn cơ hội, ban đầu tôi cũng tính toán vậy.
Ví dụ như tôi có thể dùng chuyện ly hôn để làm cô ấy tạm yên lòng, sau đó đưa cô ấy ra nước ngoài, giam lại, để cô ấy không thể rời đi được nữa.
Nhưng hôm đó, cô ấy nhìn tôi, vẻ mặt mệt mỏi nói:
“Lục Phỉ Chi, mình chia tay trong hòa bình đi.”
Suốt bảy mươi bảy ngày trước đó, mỗi lần gặp tôi, cô ấy đều lạnh lùng, chống cự, đầy giận dữ.
Đó là lần đầu tiên cô ấy bình thản gọi tên tôi.
Thế là tôi gật đầu.
“Được.”
7.
Năm tôi bốn mươi tuổi, Lục Cập trở về Lục gia.
Là tôi gọi nó về.
Lúc đó An Nhiên vừa thi đỗ đại học, hai đứa cuối cùng cũng công khai ở bên nhau.
Người nhà họ Lục còn lại, gồm cả bà nội và cha ruột tôi, đều đã bị tôi tống vào viện tâm thần từ lâu.
Những năm này, cả Lục gia chỉ còn tôi và nó.
Tôi nói với nó, tôi muốn ra nước ngoài sống, Lục gia để lại cho nó.
Nó khựng lại rồi nói, không hứng thú.
Nó đúng là có tư cách kiêu ngạo.
Bây giờ ai mà chẳng biết ở Bắc Kinh có tận hai Lục gia.
“Tặng luôn coi như sính lễ cho An gia, chắc không nhiều quá chứ?”
Nó vẫn không nhận, chỉ khoát tay bỏ đi.
Thôi vậy, dù gì Lục gia cũng chỉ còn lại hai người chúng tôi.
Sau khi tôi chết, di sản cũng là của nó cả thôi.
[Hết]
MUỐN ĐỌC TRUYỆN HAY – HÃY GHÉ MÊ TRUYỆN MỖI NGÀY NHÉ MẤY BÀ ƠI!!!