Tôi Câu Dẫn Nam Chính Thành Cá Môi Nhọn - Chương 3
Tôi chọn đi làm, cùng với mấy cô gái trong làng xuống phía Nam tìm việc.
Vì chưa đủ tuổi, ban đầu tôi chỉ có thể làm thợ gội đầu, tiền lương chỉ bằng một phần tư người khác, đủ để sống qua ngày.
Ba năm sau, tôi đủ tuổi để vào nhà máy.
Tôi từng làm trong xưởng sản xuất mì gói, nhà máy lắp ráp điện thoại, xưởng chế biến nước giải khát…
Trên dây chuyền sản xuất, có rất nhiều cô gái cùng tuổi với tôi.
Công việc trong xưởng rất vất vả, nhưng lương cũng cao, mỗi lần nhận lương, thứ đầu tiên mọi người mua là điện thoại iPhone.
Nhưng tôi phải gửi tiền về quê, gửi cho người mẹ yếu đuối của tôi để bà chữa bệnh.
Tôi nghĩ tôi hận bà.
Bà sinh ra tôi, nhưng lại không bảo vệ được con gái mình.
Những cô gái cùng tuổi tôi vẫn còn đang đi học, cuối tuần đi dạo phố, tụ tập ăn uống cùng bạn bè.
Còn tôi thì cắm mặt trong nhà máy, đôi bàn tay thô ráp đầy vết cắt vì công việc.
Nhưng trước khi tôi rời đi, mẹ đã lén nhét vào túi tôi năm trăm tệ.
Số tiền đó là do bà phơi nắng suốt mười tiếng mỗi ngày để nhổ củ cải mà dành dụm được.
Bà không cho tôi nhiều tình thương, nhưng đôi khi, vẫn có những khoảnh khắc ấm áp le lói.
Vậy nên, tôi không thể thực lòng yêu bà, nhưng cũng chẳng thể căm hận đến tận cùng.
Tôi luôn biết rằng, việc học là rất khó.
Nó đòi hỏi một gia đình ổn định, đòi hỏi cha mẹ phải đủ khả năng hỗ trợ.
Nó cần tiền, cần thời gian.
Những đứa trẻ nghèo không thể đợi đến năm 22 tuổi để tốt nghiệp rồi mới bắt đầu kiếm tiền.
Vì vậy, khi Giang Yến An hỏi tôi, tôi theo bản năng từ chối.
Nhưng bây giờ, tôi bắt đầu hoang mang.
Bên ngoài vang lên tiếng người rộn rã, không khí nhộn nhịp của cuộc sống.
Dự báo thời tiết nói hôm nay sẽ có mưa, nhưng giờ đây bầu trời lại trong xanh không một gợn mây.
Vậy nên, những gì tôi từng nghĩ là chân lý, cũng chưa chắc đã đúng.
Có lẽ tôi không cần gia đình, không cần cha mẹ, cũng không cần lo lắng quá nhiều.
Chỉ cần tôi muốn, chỉ cần tôi cố gắng, chỉ cần tôi kiên trì.
Việc học có lẽ cũng không quá khó khăn… đúng không?
11
Khi Giang Yến An trở về, anh ôm theo một chiếc hộp lớn.
Bên trong toàn là sách giáo khoa và vở bài tập:
“Trước tiên ôn lại chương trình cấp hai, sau đó học kiến thức cấp ba từ cơ bản, rồi dần dần luyện tập.”
Tôi mở sách giáo khoa trung học ra, mọi thứ trước mắt đều xa lạ.
Tôi nghĩ mình đã quên sạch những bài thơ, những bài văn mà mình từng học thuộc.
Nhưng không, vừa lật một trang, tôi đã vô thức nhớ ra nội dung tiếp theo.
Căn phòng thuê cách âm rất kém, tiếng ho khan, tiếng cãi vã, tiếng la hét từ những phòng bên cạnh liên tục cắt ngang sự tập trung của tôi.
Sau đó, Giang Yến An đã xin phép thầy cô, cho tôi đến phòng học trống trong trường để học.
Vào một ngày khi Giang Yến An vừa tan học, tôi tình cờ gặp lại Tô Như Yên.
Cô ta nhìn cuốn sách trong tay tôi, ánh mắt đầy kinh ngạc.
Tôi vội vàng giấu bài toán phía sau lưng, không hiểu sao lại làm vậy.
Tôi không muốn để cô ta nhìn thấy.
Ở trước mặt Tô Như Yên, cầm một cuốn sách cấp ba lại khiến tôi cảm thấy nhục nhã.
“Bây giờ mới chịu học à? Tôi tưởng cô chỉ biết ở trong căn phòng thuê rách nát đó mà ăn vặt, chơi game thôi chứ?”
“Cuối cùng cũng nhận ra mình không xứng với Yến An, nên bắt đầu cố gắng rồi?”
Giọng nói của Tô Như Yên vẫn chói tai như vậy.
Tôi lạnh lùng đáp trả:
“Cô lo chuyện bao đồng quá rồi đấy.”
Không biết vì lý do gì, cô ta lại bước tới, dường như còn định nói thêm điều gì đó.
Đúng lúc này, Giang Yến An tan học.
Tôi không muốn phí thời gian với cô ta, nên lườm một cái rồi cười nhạt:
“Đương nhiên là tôi không bằng cô rồi, tiểu thư khuê các được cưng chiều từ bé như cô.”
“Nhưng cô không thấy nói chuyện với một công nhân nhà máy như tôi sẽ làm ô nhiễm bầu không khí cao quý của cô sao?”
12
Buổi tối, sau khi làm xong bài tập, tôi gọi Giang Yến An lại trước khi anh vào phòng tắm.
“Tiền sách, tiền ăn, tiền nhà, tôi sẽ trả lại cho anh. Chỉ là bây giờ tôi chưa có tiền, có thể viết giấy nợ cho anh.”
Tôi đưa cho anh một tờ giấy, trên đó ghi rõ ràng từng khoản chi tiêu của tôi.
Giang Yến An nhận lấy, cẩn thận xem qua.
Tôi viết sai mấy chữ, anh kiên nhẫn sửa lại từng chữ một, rồi khen tôi:
“Thanh Thanh, chữ của em rất đẹp.”
Đúng là khó tin thật—một kẻ mù chữ như tôi lại có thể viết chữ đẹp như vậy.
Có chút ngại ngùng, tôi ho nhẹ rồi nói:
“Tôi đã tìm hiểu rồi, quán nướng ngoài cổng đang tuyển người làm thêm.
“Buổi tối làm ba tiếng, được sáu mươi tệ, còn bao cơm. Vậy là tôi vừa kiếm được tiền, mà cũng không ảnh hưởng đến việc học ban ngày.”
Nhưng Giang Yến An từ chối.
Tôi sốt ruột định tiếp tục thuyết phục, nhưng anh cắt ngang:
“Quán nướng rất mệt, hôm sau em sẽ không đủ sức học đâu.”
Tôi có chút thất vọng, cảm thấy kế hoạch này coi như thất bại.
Tôi không muốn thế, vì quá bất công với Giang Yến An—anh vừa phải đi học, vừa phải lo chi phí sinh hoạt.
Tôi nói rằng mình sẽ cố gắng học tập, nhưng có thể thi đậu đại học hay không vẫn còn là một ẩn số.
Trước đây tôi có thể vô tư nhận sự chăm sóc từ anh, nhưng bây giờ tôi không muốn như vậy nữa.
Nhưng Giang Yến An lại nói tiếp:
“Hiệu sách ở cuối phố thì được.
“Cũng làm ba tiếng, lương chỉ có năm mươi tệ, không bao cơm, nhưng yên tĩnh, cũng không quá mệt.
“Những lúc rảnh rỗi, em có thể tranh thủ học từ vựng.”
Tôi suy nghĩ, so sánh một chút, rồi nghiêm túc gật đầu:
“Được, tôi sẽ làm ở hiệu sách.”
Dù không bao cơm, lương cũng ít hơn, nhưng tôi ăn không nhiều.
Năm mươi tệ, cũng đủ để tôi sống một ngày.
13
Thời gian trôi qua rất nhanh, chớp mắt một cái, Giang Yến An đã kết thúc năm ba đại học.
Còn tôi cũng đã học chương trình cấp ba được ba tháng.
Kỳ nghỉ hè đến, tôi giúp Giang Yến An dọn dẹp đồ đạc.
Lại tình cờ gặp phải Tô Như Yên.
Cô ta vẫn xinh đẹp, cao ngạo như trước, giọng nói đầy châm chọc:
“Lâm Thời Thanh, cô đã học xong sách lớp 10 chưa?”
Tôi không muốn để ý đến cô ta, chỉ cảm thấy câu hỏi này mang đầy ý chế nhạo.
“Cô nghĩ mình là cảnh sát của Thái Bình Dương à? Sao chuyện gì cũng thích xen vào vậy?”
Tô Như Yên trừng mắt nhìn tôi, rồi bất ngờ rút từ sau lưng ra một túi giấy:
“Này, trước đây ba tôi mua cho tôi, mua quá nhiều nên tôi không làm hết, cho cô hết đấy.”
Bên trong là một xấp sách bài tập.
Tôi vừa nhìn đã nhận ra—chúng là sách của những giáo viên danh tiếng, được biên soạn kỹ lưỡng và đóng gáy tinh tế.
Tôi đã từng thấy chúng trong hiệu sách.
Nhưng rất đắt, với mức lương năm mươi tệ một ngày của tôi thì không thể mua nổi.
Tôi rất muốn nhận, nhưng lại quá sĩ diện, nên không vươn tay ra lấy.
Thế là hai người cứ giằng co như vậy.
Tô Như Yên có vẻ mất kiên nhẫn, trực tiếp nhét vào lòng tôi:
“Cô thì thấp bé nhẹ cân, nhưng thù dai thật đấy.
“Chỉ là trước đây với cái dáng vẻ lười biếng, không chịu phấn đấu của cô, ai nhìn vào cũng phải nhăn mặt thôi.”
Dù giọng điệu vẫn rất kiêu ngạo, nhưng lần này, giữa chúng tôi lại không có mùi thuốc súng.
“Cố gắng học đi.
“Dù thế nào, cô ghét tôi hay tôi ghét cô cũng chẳng quan trọng.
“Nhưng ít nhất, trong chuyện này, suy nghĩ của tôi và cô giống nhau—học hành luôn là đúng đắn.”
Nói xong, Tô Như Yên khẽ cười, nghịch ngợm chớp mắt với tôi:
“Lần sau đừng gọi tôi là tiểu thư được nuông chiều từ bé nữa.
“Tôi không muốn làm cừu non đâu.”
Trước đây tôi luôn thắc mắc, tại sao trong nguyên tác, một người dịu dàng, lương thiện như Tô Như Yên lại đối xử với tôi cay nghiệt và vô lễ đến vậy.
Cũng giống như tôi không hiểu, vì sao nam chính luôn đối tốt với bạn gái cũ, nhưng cô ta vẫn suốt ngày gây gổ với anh.
Nhưng bây giờ, tôi dần hiểu ra rồi.
Sau vẻ ngoài điên cuồng, nóng nảy của cô bạn gái cũ kia, là sự tự ti và bất an đến tột độ.
Còn sự cao ngạo và độc miệng của Tô Như Yên, thực chất lại che giấu một trái tim đơn thuần và thiện lương.
Vậy nên, cô ta không vừa mắt tôi, cũng coi thường tôi.
Nhưng khi tôi bắt đầu thay đổi, cố gắng trở nên tốt hơn.
Thì cô ta cũng thay đổi thái độ với tôi, âm thầm giúp đỡ tôi.
Tôi đã quá lệ thuộc vào kịch bản, quá tin vào những lời nhắc nhở của hệ thống.
Đến nỗi quên mất rằng, câu chữ quá đơn giản và hạn hẹp—còn đây lại là một thế giới chân thực.
Mọi người đều sống động, đều có suy nghĩ và cảm xúc riêng.
Không ai sẽ cười nhạo một người nghèo đang nỗ lực vươn lên.
Ngược lại, họ còn ngưỡng mộ người đó.
Ví dụ như Giang Yến An—xuất thân nghèo khó, nhưng từng bước từng bước trở thành hình mẫu và nam thần của cả trường.
Muốn được người khác tôn trọng và công nhận.
Trước tiên, bản thân phải biết tôn trọng chính mình.
14
Tôi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học dành cho người lớn.
Ngày thi, trời nắng đẹp.
Giống như ngày tôi quyết định đi học lại.
Bầu trời rực rỡ, nắng ấm chan hòa.
Hôm đó, Giang Yến An xin nghỉ phép, từ sớm đã đợi sẵn trước cổng trường thi.
Anh sắp tốt nghiệp, đã bắt đầu thực tập, chỉ chờ lấy bằng xong là chính thức đi làm.
Một người vốn luôn điềm tĩnh như anh, hôm nay lại nói rất nhiều:
“Đừng lo lắng, đại học có trợ cấp học phí và học bổng, em không cần phải bận tâm đến tiền bạc.”
Trước khi tôi rời khỏi nhà, anh còn kiểm tra lại đồ dùng học tập và thẻ dự thi.
Tôi bất đắc dĩ: “Từ tối qua đến giờ, đây là lần thứ tám rồi đấy.”
Giang Yến An hơi ngượng ngùng, cười nhẹ.
Hôm đó, có rất nhiều thí sinh.
Tôi thấy không ít người ngoài sức tưởng tượng của mình.
Một bác trung niên tầm 40 tuổi, trước khi vào phòng thi vẫn cố gắng ôn từ vựng:
“Lúc trước nhà nghèo, không có tiền học, giờ tích góp được chút rồi, muốn thử xem sao.”
Một chị gái ngoài 30, tóc uốn lọn đỏ rực, vừa xem sách vừa cầm điện thoại mắng người:
“Phiền chết đi được! Đã nói hôm nay chị thi đại học, chuyện ở tiệm tự mà quyết, đừng có hỏi nữa!”
Nhận ra tôi đang nhìn, chị ta nhếch môi cười:
“Nhóc con, trẻ ghê ha. Bằng tuổi em, chị còn đang lông bông ngoài xã hội.
“Giờ già rồi, mới thấy có tí chữ trong đầu vẫn tốt hơn.”
Trước khi bước vào phòng thi, tôi bất ngờ nhìn thấy Tô Như Yên chạy vội đến.
Từ xa, cô ta vẫy tay với tôi:
“Lâm Thời Thanh, đừng căng thẳng nhé!”
Tôi khẽ mỉm cười, gật đầu đáp lại.
15
Đề thi không hẳn dễ, nhưng cũng không quá khó.
Mức độ ra đề hoàn toàn bình thường.
Thời gian trước kỳ thi, tôi đã làm đi làm lại đề thi những năm trước rất nhiều lần.
Nộp bài xong, bước ra khỏi phòng thi.
Tôi cũng đã nắm được phần nào khả năng làm bài của mình.
Trong bữa ăn, tôi hỏi Giang Yến An:
“Nhỡ tôi thi rớt thì sao?”
Nếu tôi trượt, vậy tôi vẫn chỉ là một cô công nhân bỏ học từ cấp hai.
So với một sinh viên tốt nghiệp từ trường danh tiếng như Giang Yến An, đặt cạnh nhau chỉ khiến người ta cười nhạo.
Nhưng Giang Yến An không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, mà hỏi lại:
“Từ vựng em học, giờ quên chưa?”
“Chưa.”