Đồng An An - Chương 11
“Sao lại không thể? Thôn Đào Thủy cách kinh thành không xa, phong cảnh đẹp, dân phong thuần hậu, là nơi lý tưởng nhất để dưỡng lão. Con không nghe nói à? Mỗi khi hè đến, đều có quý nhân từ kinh thành đến đây nghỉ mát, họ ở trong khu nhà ba gian của nhà họ Trần ở đầu thôn đấy.”
Nhớ lại dinh thự bề thế nhà họ Trần, ta nửa tin nửa ngờ: “Nghe cứ như mơ vậy.”
Cha ta chọc chọc trán ta, cười khinh khích: “Bạc trắng đây rồi, còn như mơ à?”
Vốn còn lo hai mươi mẫu mơ chín sẽ hỏng mất, ai ngờ chỉ qua một đêm, chúng đã biến thành mấy thỏi bạc nặng trịch trong tay ta.
Tổng cộng ba mươi lăm lượng!
Hiện tại, nhà họ Triệu kiếm sáu, bảy lượng bạc mỗi tháng từ đậu phụ và bánh đậu xanh. Cộng thêm ba mươi lăm lượng này, năm nay chúng ta có thể kiếm hơn một trăm lượng bạc.
Ở một làng quê thế này, đây đã là nhà giàu hẳn hoi rồi!
Chỉ là vất vả quá.
Đặc biệt là Triệu Đắc Thiên, suốt một năm qua gầy đi trông thấy, trong khi ta lại béo lên hai vòng.
Dù vậy, mẹ chồng và Triệu Đắc Thiên vẫn nhường hết đồ ngon bổ cho ta.
Ta làm nũng: “Mẹ à, sau này canh thịt dê để dành cho nhị ca đi, chàng ấy cực nhất nhà.”
Mẹ chồng hừ lạnh một tiếng: “Một gã đàn ông thô kệch, uống canh thịt dê làm gì? Con giờ mang thai, phải bồi bổ! Đừng sợ béo, sinh xong là gầy ngay.”
“Nhưng nếu không gầy được thì sao?”
Vừa nói xong, Triệu Đắc Thiên—người vừa làm đậu phụ mệt đổ mồ hôi đầy mình—bước vào nhà.
Hắn ghé sát tai ta, giọng trầm khàn trêu chọc: “Béo một chút không phải càng tốt sao?”
Ta nghe xong, trừng mắt lườm hắn một cái.
Nghĩ bậy nghĩ bạ gì đấy hả, đúng là chẳng biết thương vợ gì cả!
Tháng Tám, sau một đêm đau đớn kêu gào, ta hạ sinh một bé gái trắng trẻo hồng hào.
Mẹ chồng vui sướng vô cùng!
Cứ có thời gian rảnh là bà lại chạy ra đầu làng khoe cháu, mở miệng câu nào cũng nhắc đến Tiểu A Phán của bà.
Người trong làng tình cờ hỏi thăm: “Ăn cơm chưa?”
Bà sờ bụng vui vẻ đáp: “Ăn rồi, ăn bánh sữa dê đấy! Sữa dê là do ông ngoại Tiểu A Phán gửi đến, con bé ăn khỏe ngủ ngoan, đáng yêu lắm!”
Có cô hàng xóm sang mua đậu phụ: “Bác ơi, lấy cho cháu ba miếng.”
Bà không vội không vàng, bước đến chòi làm đậu phụ, cười tủm tỉm: “Ăn đậu phụ bổ lắm đấy, sao không mua thêm vài miếng? Ăn nhiều vào, da mặt sẽ trắng nõn mềm mịn như cháu gái tôi, ai nhìn cũng chỉ muốn hôn mãi thôi!”
Có khách qua đường ghé xin nước uống, cảm động nói: “Bà tốt bụng thật!”
Bà cười híp mắt, gương mặt tràn ngập yêu thương: “Ra ngoài ai cũng vất vả mà! Tôi có một cháu gái nhỏ, trắng trẻo như búp bê ngọc vậy, tôi chỉ mong con bé cả đời gặp toàn người tốt thôi!”
Ta ôm Tiểu A Phán trong lòng, cười đến mức không ngồi thẳng nổi trên giường.
“Mẹ ơi, mẹ đừng lúc nào cũng nhắc A Phán nữa, cũng lo cho Đắc Vạn chút đi. Đệ ấy đi kinh thành thi Hương mấy hôm rồi, chẳng biết thế nào.”
“Chà, nó còn trẻ, lỡ lần này không đỗ thì còn lần sau. Một thằng nhóc sao có thể so với Tiểu A Phán của ta, đó là bông hoa rực rỡ trước mắt bà già này!”
Nói xong, bà ôm lấy đứa nhỏ bụ bẫm, làm mấy trò hề dỗ dành, trông cứ như một đứa trẻ lớn vậy.
Miệng nói không lo, nhưng ta biết bà đang thấp thỏm lắm. Nếu không, sao lại lén lút đi tận ba mươi dặm để lên chùa cầu phúc cho Đắc Vạn?
Đệ ấy là người có tiền đồ nhất nhà họ Triệu, bao năm nay cả nhà thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng đồng chỉ để đệ có thể “Sáng làm nông phu, tối vào cung vua”.
Ta tin rằng đệ ấy sẽ đỗ, vì đệ ấy mang phẩm chất của nhà họ Triệu—cần cù, chịu khó và khôn khéo.
Quan trọng nhất, họ đều là những người có tâm.
Vì phải đi kinh thành dự thi, nên cuối tháng Bảy Đắc Vạn đã rời khỏi trấn Đào Nguyên.
Trước khi đi, đệ ấy để lại một miếng khóa bạc: “Đây là quà đệ tặng cháu gái, mong nhị tẩu không chê.”
Khi ấy, A Phán còn trong bụng ta, nhưng đệ ấy đã sớm chuẩn bị lễ vật rồi.
Chỉ có trời mới biết, một thư sinh nghèo như đệ ấy phải vất vả thế nào mới mua nổi một miếng khóa bạc!
Đắc Vạn là một người tốt, mà Đắc Quán cũng không hề kém cạnh.
Đệ ấy theo học nghề mộc với Lý Mộc Tượng đã lâu, học được bảy tám phần nghề rồi, nên cũng đã chuẩn bị sẵn cả nôi và võng treo cho cháu gái.
Mọi thứ đều tỉ mỉ, thủ công tinh xảo, dù có tiền cũng khó mà mua được.
Nhưng Triệu Đắc Thiên vẫn chưa thấy đủ, còn nhắn Đắc Quán làm thêm một con ngựa gỗ.
Ta—người đang nằm cữ trên giường—cạn lời: “Ngựa gỗ? A Phán còn chưa đầy tháng, có cần gấp vậy không?”
Triệu Đắc Thiên vừa thay tã cho con vừa cười đắc ý: “Cứ chuẩn bị trước, cho con gái ta!”
Từ khi có được cục cưng bảo bối này, hắn thay đổi hẳn.
Dường như còn có thêm động lực, còn tuyên bố từ nay sẽ dành dụm của hồi môn cho con gái, nhất định đến ngày xuất giá phải chuẩn bị được mười dặm sính lễ.
Ta: “…”
Mơ đẹp thật đấy, thôi lần sau đừng mơ nữa!
Mười dặm sính lễ? Nhà nông lo nổi sao?
Nhưng cũng có lúc Triệu Đắc Thiên tự trách mình.
Một đêm nọ, bên trái là Tiểu A Phán, bên phải là ta, hắn ngắm con rồi lại ngắm ta, không kìm được mà thở dài: “Nương tử à, ta chỉ là một gã nông dân, nàng lấy ta, có thấy thiệt thòi không?”
Ta bật cười: “Vậy chàng nghĩ ta nên gả cho ai?”
“Gả cho đại phú gia, cho công tử quyền quý, thậm chí… Với dung mạo của nàng, có khi hoàng tử cũng lấy được.”
“Hahaha——”
Ta cười đến mức lăn lộn trên giường, vươn tay nhéo hắn một cái thật đau.
“Lấy hoàng tử? Sao chàng không nói ta gả cho Thiên Vương luôn đi? Đúng là viển vông! Mà thật ra, trước đây ta cũng từng mơ như vậy, còn tưởng tượng mình là công chúa lưu lạc nữa kìa. Con gái ai mà chẳng từng có những giấc mộng đẹp như vậy, nhưng tỉnh mộng rồi vẫn phải trân trọng người trước mắt. Hơn nữa, chàng có nhiều điểm tốt thế cơ mà, lấy chàng ta đâu có thiệt.”
Triệu Đắc Thiên trở người ôm ta vào lòng, hơi thở nóng hổi bên tai: “Ta có điểm tốt gì?”
Ta nửa đẩy nửa né: “Chàng khỏe lắm! Ái chà, tránh ra! Chưa được đâu, phải chờ thêm hai ngày nữa, chạm cũng không được——”
Ngày Tiểu A Phán đầy tháng, cha ta hớn hở đánh xe ngựa đến, vừa vào cửa đã chắp tay chào mẹ chồng ta rối rít.
“Thông gia, chúc mừng nhé!”
“Ha ha! Ông ngoại con bé à, cùng vui, cùng vui! Nhìn xem Tiểu A Phán nhà chúng ta đáng yêu thế này cơ mà!”
“Xì! Ta đâu có nói A Phán, nhưng mà đúng là A Phán xinh hơn mấy đứa trẻ khác thật—Thôi, ta nói lạc đề rồi! Ta đến đây để báo tin vui cho bà đấy! Đắc Vạn đỗ cử nhân rồi!”
Bà mẹ chồng ta thoáng sững sờ: “Đỗ gì cơ?”
“Mẹ! Tam ca thi đỗ cử nhân rồi!”
Triệu Đắc Thiên bên cạnh đã lập tức hiểu ra, vui sướng hét lớn vào tai bà.
Hôm ấy, mẹ chồng ta, bà Vương Lan Hoa, ngồi trên tảng đá lớn ngoài sân, vừa khóc vừa cười, nước mắt nước mũi rơi lã chã, miệng không ngừng lẩm bẩm.
Bà vui mừng đến mức cả người run rẩy, nếu không phải vì đang ôm A Phán trong lòng, có khi đã nhào xuống đất khóc òa rồi.
“Con nhà nghèo mà thành đạt, có ai hiểu được những gian nan ấy?”
Bao nhiêu người ôm mộng vượt vũ môn hóa rồng, nhưng biết bao con cá chép chưa kịp tìm được dòng nước rộng rãi đã bị đưa lên thớt, trở thành món ăn trên bàn tiệc của kẻ khác.
Còn mấy ai thực sự có thể hóa rồng?
Cha ta kể, tin Đắc Vạn đỗ cử nhân đã truyền đến huyện, các quan lớn lập tức muốn kết giao. Giờ đây, đệ ấy đang cùng huyện lệnh bàn luận kinh sách bên chén trà.
“Tốt, tốt lắm! Phải tổ chức một bữa tiệc cảm tạ thầy dạy, mời hết quan trên lẫn bà con hàng xóm!”
Nghe hai chữ “quan trên”, mắt cha ta sáng rực lên: “Cứ tổ chức ở quán ăn của ta! Tiền ta lo hết!”
“Như vậy sao tiện?”
Cha ta cười gian xảo: “Hê hê, đây là vinh quang của lão già ta đấy!”
Ngày 26 tháng 9, Quý Khách Lai Hỷ ở trấn Đào Nguyên tổ chức một bữa tiệc cảm tạ thầy dạy, khiến cả trấn xôn xao.
Hôm ấy, từ các tiên sinh của thư viện, quan lại trong huyện, đến bà con láng giềng, ai nấy đều đến chung vui.
Đắc Vạn phong thái hiên ngang, đứng trước bao người, cung kính nâng ly kính rượu, trông như một thư sinh tài hoa hiếm có.
Trước cả khi tiệc bắt đầu, đã có người lén lút dò hỏi: “Vị tân cử nhân này đã có hôn ước chưa?”
Ta và Triệu Đắc Thiên ôm A Phán ngồi bên bàn, nhìn đệ đệ đã làm rạng danh gia tộc, trong lòng xúc động đến cay mắt.
Nhìn lại hơn một năm qua, những tháng ngày vất vả nỗ lực, ta không khỏi nghẹn ngào.
Con người cả đời cầu khẩn Ngọc Hoàng không bằng tự mình nỗ lực. Mơ mộng viển vông chẳng bằng tin tưởng chính mình. Làm điều gian dối không bằng đi trên con đường ngay thẳng.
Niềm vui chẳng bao giờ rơi từ trên trời xuống, mà là do đôi tay mình tạo dựng.
Chỉ có sự lương thiện và chăm chỉ mới là chính đạo của nhân gian.
[HẾT]